NGƯỜI XEM, NỀN TẢNG, NHÃN HÀNG - LỖI TẠI AI?
- iamhere
- Apr 10
- 13 min read
Updated: 6 days ago
Chỉ trong 2 tháng gần đây, mạng xã hội, nói đúng hơn là cư dân trên mạng xã hội không có giây phút được nghỉ ngơi với nhiều sự kiện chấn động liên tiếp diễn ra. Sự việc này chưa kịp lắng xuống là sự việc tiếp đã bùng nổ. Vậy nên trên mạng xã hội cũng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh về nhân vật sau “cứu” nhân vật trước. “Cứu” ở đây được hiểu là lôi kéo sự chú ý của dư luận về nhân vật mới, để nhân vật cũ có thể lặng lẽ rút lui khỏi “sân khấu bất đắc dĩ”.

Nhân vật gây “bão” đầu tiên là Phạm Thoại & Mẹ Bắp. Phạm Thoại là nhân vật nổi lên nhờ mạng xã hội. Đầu tiên là nổi tiếng với chuyện bán hàng qua mạng và không ngại chửi xối xả, thậm chí là chửi tục với người xem livestream. Từ sự chú ý đó, Thoại trở thành nhân vật bán hàng quyền lực nhất nhì Việt Nam. Một phiên livestream có thể có doanh thu hàng chục tỷ, thậm chí trăm tỷ. Phạm Thoại trở thành cái tên được các nền tảng bán hàng online ưu ái và nhiều thương hiệu nhắm đến để bán sản phẩm của mình. Nhờ sự tiếp sức của các nhãn hàng, Thoại nổi càng thêm nổi. Những kỷ lục được thiết lập. Nền tảng lại càng có lý do để đẩy Thoại lên. Bộ ba pháp thuật: Người Xem - Nền Tảng - Nhãn Hàng đã chung tay giúp một người bán hàng ồn ào thích chửi mắng người xem trở thành một người nổi tiếng cả nước. Và bất kỳ sự nổi tiếng nào quá nhanh cũng dễ tạo ra sự ảo tưởng về quyền lực của mình, về vị trí của mình trong xã hội và dẫn đến những quyết định sai lầm. Câu chuyện của Phạm Thoại & Mẹ Bắp chi tiết thế nào, mọi người chỉ cần search một cái là ra rất nhiều những tóm tắt. Vẫn là câu chuyện kêu gọi từ thiện (vốn cũng là một sự kiện xã hội nổi bật cách đây vài năm) nhưng có vẻ nó chưa bao giờ cũ. Không cũ nhưng luôn “mới” với người xem. Nghĩa là chúng ta có một bài học học mãi không thông. Chỉ với vài lời kêu gọi, Thoại đã nhận được số tiền quyên góp hơn 16 tỷ để chuyển cho mẹ Bắp chữa trị bệnh hiểm nghèo cho con (đó là chưa kể mẹ Bắp còn nhận thêm vài chục tỷ thông qua nhiều tài khoản nhận quyên góp trực tiếp từ người xem nhờ Phạm Thoại). Giờ đây người ta đặt nghi vấn về số tiền đóng góp quá lớn đó có thể là một màn kịch của hai nhân vật vì quá nhiều tình tiết kỳ lạ diễn ra sau khi cả hai nhận được khoảng tiền khủng này. Đỉnh điểm là màn livestream trần tình đẫm nước mắt của Phạm Thoại và mẹ Bắp không thể kệch cỡm hơn, khiến cư dân mạng càng thêm dậy sóng. Thật hư sự tình thế nào thì chắc đợi cơ quan điều tra thông báo chính thức.

Ngược với Thoại - nổi lên từ việc bán hàng và chửi người khác, thì Quang Linh Vlogs & Thuỳ Tiên lại nổi tiếng nhờ vào xây dựng hình ảnh đẹp (riêng với Hằng Du Mục tôi không biết nhiều nên cũng không tiện nói thêm, chỉ biết Hằng cũng là một nhân vật bán hàng trên Tiktok Shop thuộc hàng Top xứ mình). Quang Linh nổi lên nhờ hình ảnh người đàn ông vượt khó, gần gũi, chân chất giúp người dân Angola cải thiện cuộc sống. Thuỳ Tiên là hoa hậu thì thôi không cần nói về vẻ đẹp hình thức. Tiên, phần nào, cũng là đại diện cho vẻ đẹp trí thức, cũng là dân có ăn học đàng hoàng, làm show Đu Đêm cũng ý nghĩa (tôi còn là người đề xuất cái show đó cho nhãn hàng để hợp tác cho mùa tiếp theo. Lạy hồn chưa trình ý tưởng với khách hàng thì sự việc bùng nổ. Tổ Nghiệp độ! Chứ không nếu khách hàng đồng ý ý tưởng thì đi giải quyết hệ quả truyền thông mệt nghỉ), rồi sau đó Tiên còn là đại diện của người trẻ đẹp trí thức tham dự vào buổi toạ đàm với cơ quan nhà nước và được trao tặng những danh hiệu hết sức đẹp đẽ - Thuỳ Tiên là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021, Quang Linh còn ghê gớm hơn, là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đã bị bãi nhiệm sau khi sự kiện Kera bùng nổi). Nói chung cả Linh & Tiên đều là đại diện của những hình ảnh đẹp tiêu biểu của người trẻ. Thế nhưng, cuộc đời luôn có những cú ngoặc bất ngờ - “Không phải là thiên cơ thì chắc chắn phải lộ”. Kẹo rau củ Kera của bộ ba Hằng Linh Tiên thật sự là một sự kiện của năm (theo như tôi tự bình chọn). Một người buôn hàng qua mạng, một đại diện cho hình ảnh nhân ái, một đại diện cho vẻ đẹp cả về nhan sắc lẫn trí tuệ - cùng hợp lực để lừa người dân với sản phẩm kẹo rau củ “giàu chất xơ” nhờ vào chất nhuận trường (sorbitol), để người mua trải nghiệm sản phẩm lầm tưởng việc “nhuận trường” là nhờ chất xơ. Kinh khủng hơn trong quá trình quảng bá sản phẩm, cả ba còn nhiều lần khẳng định thông qua hình ảnh và cả khi livestream bán hàng là phù hợp với cả phụ nữ mang thai và trẻ em. Chiêu thức này chỉ có người thông manh với nhiều chút thâm độc mới nhìn ra được. Dù là khác nhau về mặt xuất phát điểm nhưng bộ ba này có sự tương đồng với trường hợp của Phạm Thoại là nhờ có sự tiếp sức của Bộ Ba Pháp Thuật: Người Xem - Nhãn Hàng & Nền Tảng. Tuy nhiên, ca này khó hơn vì có sự thao túng tâm lý người xem. Cả ba nhân vật đều bọc cho mình vẻ ngoài thiện lành, khác với Thoại là thể hiện rõ bản chất ngay lúc đầu. Thật ra việc tạo cho mình vẻ ngoài thiện lành rồi sau đó bị phát hiện làm điều xằng bậy cũng không có gì mới lạ trong những năm gần đây. Thế nên trên mạng mới có câu thành ngữ “Người hay nói đạo lý thì sống như lol”. Dù rằng Hằng và Linh đã chính thức bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi kinh doanh lừa đảo, Tiên bị cấm xuất cảnh để phục vụ cho việc điều tra và nghi vấn có liên quan nhiều hơn là PR không nhận phí, nhưng bản thân tôi cũng không chắc rằng, sau sự kiện này, chúng ta liệu đã học thông bài học tin vào những hình ảnh đẹp đẽ thiện lành trên mạng một cách tuyệt đối hay chưa.

Câu chuyện của Viruss thì đơn giản hơn nhiều so với Thoại & bộ ba Hằng Linh Tiên. Đơn giản ở chỗ chỉ là một người đàn ông có tiếng trong một lĩnh vực, dính vào scandal tình cảm với người mình từng hẹn hò. Mấy cái lập luận về hẹn hò, yêu đương, tìm hiểu của Viruss đưa ra không có gì mới và đúng hay sai thì mỗi người nghe sẽ tự đưa ra quan điểm riêng của mình (riêng cá nhân tôi thấy hèn). Điểm nổi trội duy nhất của sự kiện này chính ở chỗ Viruss đã livestream để đấu khẩu với Pháo - được cho là một người hẹn hò cũ. Lý do dẫn đến màn livestream đấu khẩu này là bài hát “Sự Nghiệp Chướng” của Pháo diss (móc mỉa) Viruss hot quá hot, tung ra một cái là tạo hiện tượng, Viruss còn làm hẳn video reaction bài này với tâm thế của “người ngoài cuộc”. Lần đầu tiên trong lịch sử mạng xã hội, hai người nổi tiếng từng qua lại với nhau livestream đấu khẩu. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, một màn đấu khẩu livestream có hàng triệu người xem (tất nhiên không có tôi trong đó). Ngay trong và sau màn livestream đấu khẩu đó, FB tôi tràn ngập newsfeed từ của bạn bè đến các trang cộng đồng diss Viruss và khẳng định em ấy là kiểu đàn ông không ra gì. Tôi không ngạc nhiên về cái nhận định đó. Tôi ngạc nhiên ở hai điều:
- Sao một thằng đàn ông lại có thể lên đấu khấu với người quen cũ của mình qua livestream để cho hàng triệu người xem như vậy? Điều gì khiến cho hai con người ấy nghĩ rằng có thể và nên làm việc này?
- Sao hàng triệu người có thể bỏ thời gian ra để xem 2 người đôi co tranh cãi về chuyện hẹn hò qua lại giữa hai người? Hay là nó cũng giống như chuyện trong xóm có nhà nào cãi nhau là cả xóm chạy ra hóng?
Sau ba sự kiện liên tục diễn ra gây chấn động mạng xã hội như vậy, tôi cũng thấy có nhiều bài viết đánh động về việc mọi người đã quá dễ dãi tin người, quá dễ dãi với việc tiếp thu những nội dung giải trí nhảm nhí, độc hại, hiệu ứng đám đông, tác động tiêu cực của mạng xã hội, của người nổi tiếng, của livestream bán hàng online v.v.v…Những nội dung này trước đây cũng đã từng xuất hiện nhiều lần khi xảy ra những sự kiện tương tự. Nghĩa là phần lớn chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến những thứ như vậy tiếp tục diễn ra. Không có Thoại, hay Tiên, hay Linh, hay Hằng, thì sẽ có những cái tên khác xuất hiện.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề thật sự chưa bao giờ nằm ở họ - những con người đang sống ở “vùng tối” muốn “bước ra ánh sáng”, vấn đề thật sự nằm ở chúng ta - người xem, những người đang ở “vùng sáng” tự nguyện dấn thân vào “vùng tối” với sự “thúc đẩy ngầm” của hai nhân tố còn lại là Nền Tảng & Nhãn Hàng.
Chúng ta cứ thử đặt ra những câu hỏi:
- Là người xem (công chúng) quá dễ dãi, sẵn sàng đón nhận những nội dung giải trí rất ồn ào, thô tục hoặc sáo rỗng?
- Hay do nền tảng không kiểm soát tốt nội dung hay có những tiêu chuẩn quản lý chặt chẽ về mặt nội dung và hình ảnh của người truyền tải nội dung?
- Hay là do nhãn hàng vì áp lực của những con số đã buộc lòng hoặc hăng hái kết hợp với con người ồn ào đó
- Hay nó là tổ hợp của tất cả những điều trên?
Và vẫn còn thêm một vài câu hỏi đáng lưu tâm khác:
- Vì sao mọi người lại chấp nhận và hỗ trợ cho một người ồn ào thích chửi bới như Phạm Thoại trở thành một người nổi tiếng, đáng tin đến mức đồng loạt chuyển tiền cho em ấy, để con số lên đến hàng chục tỷ? Vì sao tin Thoại rồi tin luôn cả mẹ Bắp?
- Vì sao mọi người tin tưởng bộ ba Hằng Linh Tiên đến mức có thể mua một sản phẩm thực phẩm chức năng liên quan đến sức khoẻ dù cả ba chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng cấp chứng chỉ gì chứng tỏ mình là người có kiến thức hay trình độ chuyên môn về sức khoẻ? Một hoa hậu, 1 vloger, một con buôn chuyên bán hàng online?
- Vì sao mọi người lại dành thời gian để xem Viruss đấu võ mồm?
- Điều gì điều khiển/sai khiến chúng ta cùng tham gia vào những sự kiện này?
Chắc chắn nó không chỉ đơn giản là sự hiếu kỳ, là hiệu ứng đám đông.
Nó phải là một điều gì đó sâu thẳm bên trong tạo ra sự thay đổi về mặt tâm lý hành vi, sự vận hành của não bộ để chúng ta từ việc cảm thấy khó chịu khi nghe những lời chửi bới chuyển sang “thấy quen”, chuyển sang yêu thích rồi nghiện nghe những lời chửi đó.
Nó có thể là một điều gì đó sâu thẳm bên trong khiến chúng ta mất đi khả năng phân tích logic khi hoàn toàn bỏ qua yếu tố kiến thức và trình độ chuyên môn bắt buộc phải có của một người kinh doanh sản phẩm liên quan đến sức khoẻ.
Nó có thể là một điều gì đó sâu thẳm bên trong khiến chúng ta phải ngồi nghe và xem một thằng đàn ông tồi ngồi đôi co với người phụ nữ bằng một giọng nói chói tai và biểu cảm trịch thượng.
Mọi hành vi, mọi sự lựa chọn, mọi quyết định của chúng ta luôn là kết quả của một tổ hợp các hoạt động liên kết phức tạp bên trong cơ thể nói chung và bộ não nói riêng. Việc thay đổi hành vi, thói quen và nhu cầu trải nghiệm đang cho thấy sự thay đổi hay biến đổi trong cách thức liên kết và hoạt động của cơ thể.
Nếu đó là thay đổi tích cực nghĩa là sự liên kết bên trong đang được vận hành một cách tối ưu hoá và hiệu quả. Nếu đó là những thay đổi tiêu cực, nghĩa là đã có những sự biến chất/biến đổi làm thay đổi cấu trúc liên kết bên trong, khiến chúng ta một cách vô thức tiếp nhận và thoả hiệp với những cái xấu mới.
Và khi mở cửa cho những năng lượng xấu đi vào cơ thể, đồng nghĩa với việc chúng ta phải đánh đổi không gian của năng lượng tích cực bên trong.
Điều này phần nào cũng lý giải vì sao bây giờ chúng ta dễ bị các vấn đề về sức khoẻ tinh thần như dễ căng thẳng, lo âu, dễ tiêu cực, mất bình tĩnh, mất kiểm soát cảm xúc. Cơ bản vì mỗi ngày chúng ta đã dung nạp quá nhiều những nội dung tạp chất, những thứ nội dung nhanh, gọn, lẹ, dễ cười, dễ chửi, dễ tranh luận. Những nội dung này, ngay qua ngày sẽ là thui chột khả năng phân tích logic, tư duy phản biện, suy nghĩ sâu sắc nhờ vào việc xem, đọc, nghiền ngẫm những nội dung chất lượng mà chúng ta cần phải dành nhiều thời gian và sự tập trung để tiếp nhận và hiểu.
Khả năng phân tích logic, tư duy phản biện và suy nghĩ sâu sắc phần nào sẽ giúp chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn hoặc chí ít là những câu hỏi quan trọng giúp chúng ta nhìn ra bản chất thật sự của vấn đề. Ví dụ như:
- Vì sao Tiktok lại chỉ tập trung phát triển mạnh những nội dung video ngắn và đẩy mạnh việc bán hàng livestream với lực lượng KOCs hùng hậu ở nhiều hạng mức và nhiều lĩnh vực? Vì sao cả Facebook, Instagram, Youtube đều phải nối gót theo Tiktok để đẩy hình thức video nội dung ngắn?
- Bản thân chúng ta có nhận thức được những sự thay đổi gì từ việc xem quá nhiều những nội dung video ngắn? Bản thân chúng ta đã đánh giá sự thay đổi đó là tích cực hay tiêu cực chưa?
- Từ khi nào bạn chấp nhận đánh đổi ưu tiên trải nghiệm sản phẩm chất lượng, uy tín, an toàn bằng ưu tiên trải nghiệm sản phẩm chỉ vì lời nói cũng những người bán hàng mỗi tuần bán hàng trăm sản phẩm ở nhiều ngành hàng khác nhau?
- Từ khi nào bạn dành nhiều thời gian xem những người bán hàng qua mạng múa mồm thay vì dành thời gian tìm hiểu kiến thức, thông tin từ những chuyên gia?
- Điều gì khiến chúng ta thay đổi hành vi đó?
Sẽ còn rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy sẽ tìm đến nếu chúng ta dành đủ thời gian để soi xét về chuỗi thay đổi hành vi và tư duy của mình trong thời gian qua, thông qua các sự kiện diễn ra mỗi ngày, cho đến các drama thiên biến vạn hoá về mặt hình thức trên mạng xã hội nhưng đều chia sẻ chung những vấn đề cốt lõi về hành vi hay có công thức chung về quá trình từ người vô danh thành người nổi tiếng rồi trở thành “người gây chuyện”.
Để thật sự có thể nhìn thấy gốc rễ của vấn đề, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thể cân nhắc những việc sau:
- Các bộ, ngành, cơ quan chức năng và chuyên gia đầu ngành có liên quan tiến hành một cuộc khảo sát có quy mô lớn trên cả nước để thu thập dữ liệu về sự thay đổi tâm lý hành vi của người Việt dưới tác động của mạng xã hội và nội dung giải trí. Kết quả của bảng khảo sát chắn chắn sẽ giúp chúng ta tìm ra được nguyên nhân sâu thẳm, những chất xúc tác, điểm kết nối bị đứt gãy và đầy đủ dẫn chứng để tạo áp lực lên các nền tảng về cách thức vận hành và quản lý chất lượng nội dung của nó.
- Các bộ, ngành, cơ quan chức năng và chuyên gia đầu ngành có liên quan đưa ra một cơ chế quản lý, giám sát và phạt thông qua luật ban hành đối với các nền tảng và nhãn hàng đã ngó lơ đến những tác động tiêu cực từ nội dung truyền thông, quảng cáo ảnh hưởng đến người xem, người tiêu dùng, thiếu ý thức & trách nhiệm xã hội trong việc chống lại những nội dung thiếu minh bạch, lấp liếm, lươn lẹo hay cổ xúy cho nội dung chiêu trò, lố bịch, ồn ào để gây sự chú ý với người xem.
Chỉ khi những sự đen tối này dần thu hẹp lại thì những nội dung chất lượng, thú vị, hay ho mới có thêm không gian để sống, để toả sáng.
Sự sáng tạo chuẩn mực sẽ vẫn luôn tạo ra những tác động lớn nếu nó có thêm môi trường để thể nghiệm.
Những nội dung sâu sắc, ý nghĩa có thể thay đổi cuộc sống của nhiều người nếu nó được lan toản nhiều.
Sản phẩm nghệ thuật của những nghệ sỹ chân chính sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nhiều người, được ủng hộ và hỗ trợ cả về tinh thần lẫn tài chính để họ có thể tiếp tục cống hiến và tạo ra những tác phẩm chất lượng mới.
Tất cả những câu chuyện hay ho, thú vị này sẽ xuất hiện nhiều hơn ở những buổi cà phê, những bữa ăn gia đình, những buổi tụ họp bạn bè thay cho những câu chuyện drama dở cười dở khóc mà chúng ta, một cách vô thức, trở thành diễn viên quần chúng cho những màn kịch dối trá được tạo ra từ “những người có sức ảnh hưởng”.
Và cuối cùng chỉ có chúng ta - những người xem, là công chúng cùng với sự nghiêm trị của pháp luật mới có thể tạo ra những áp lực lớn để các nền tảng và nhãn hàng buộc phải thay đổi tư duy và cách làm việc của họ. Thật sự đặt người tiêu dùng /khách hàng làm trọng tâm (consumer/user centric) như cách họ vẫn luôn tô vẽ cùng nhau qua các chiến dịch truyền thông.
Vì với họ, cuối cùng, sau tất cả, doanh thu mới là con số quan trọng nhất.
Còn với chúng ta, thì đó là sự đánh đổi của nhiều phần năng lượng, nhiều phần tâm trí, có khi lắm phần sức khoẻ, chung quy lại thì là một phần quan trọng của cuộc sống.

#opinion #livestream #Tiktok #KOCs #PhamThoai #MeBap #Viruss #KeoKera #HangDuMuc #QuangLinhVlogs #ThuyTien
Credit:
Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149

Comments